Xe máy là phương tiện đi lại phổ biến nhất ở nước ta hiện nay. Chúng không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là phương tiện mưu sinh của không ít người lao động.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người không phải ai cũng biết sử dụng xe sao cho, vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo độ bền của xe. Dưới đây là 6 sai lầm phổ biến mà người điều khiển xe máy, tay ga vẫn thường hay mắc phải.
1. Chỉ phanh xe bằng phanh trước
Đây là sai lầm phổ biến nhất của hầu hết mọi người, đặc biệt là những người mới biết chạy xe.
Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến những tai nạn không đáng có. Bởi lẽ, khi xe gặp tình huống bất ngờ phía trước, nhiều người sẽ dồn hết lực để bóp phanh trước (phanh bên phải) do thuận tay.
Đối với những xe có phần đầu tương đối nặng, nếu chỉ bóp phanh trước xe sẽ dễ bị mất cân bằng, khiến người lái bị ngã. Để giảm thiểu những sự cố không đáng có, người chạy nên giảm tốc độ bằng cả phanh trước lẫn phanh sau, tránh tuyệt đối phanh gấp mà chỉ sử dụng phanh đĩa trước.
2. Chạy ngay sau khi nổ máy
Nhiều người nghĩ chạy ngay sau khi nổ máy là một thói quen hoàn toàn vô hại, tuy nhiên đây là một sai lầm tai hại có sức tàn phá khủng khiếp lên động cơ xe. Bởi vì sau một thời gian không sử dụng, động cơ xe máy cần thời gian để làm nóng tới nhiệt độ lý tưởng cho việc vận hành.
Nếu người lái chạy xe ngay sau khi nổ máy, động cơ xe sẽ không kịp đạt ngưỡng nhiệt độ lý tưởng để vận hành này.
Tốt nhất là người chạy nên đợi khoảng 30 giây sau khi khởi động xe, lúc này dầu nhớt sẽ được bơm lên đủ để bôi trơn toàn động cơ. Nhiệt độ động cơ lên cao giúp máy ấm dần, các bộ phận giãn nở đều sẽ dàn đều nhờ vậy xe có thể vận hành êm ái hơn.
3. Khởi động xe từ số lớn
Sai lầm khác mà nhiều người cũng thường mắc phải đó là khởi động và điều khiển xe ngay khi số vẫn còn ở mức 3 hoặc 4. Làm như vậy sẽ khiến xe tốn thêm nhiều nhiên liệu, xe chạy ì và khó tăng tốc. Đặc biệt, mọi thứ sẽ còn tệ hại hơn nếu xe phải chở thêm người hay vật nặng.
Người lái cũng không nên để số quá cao (3 hoặc 4) và vặn ga hết cỡ bởi vì điều này có thể gây ra hiện tượng sặc xe, chết máy, dẫn đến xe nhanh chóng bị hỏng hơn. Nếu tình trạng này kéo dài động cơ xe sẽ bị yếu dần, đồng thời gây ra hiện tượng mòn côn xe.
4. Phóng nhanh, phanh gấp
Khi xe vận hành với tốc độ cao, động cơ xe cần phải hoạt động nhiều hơn để phát ra công suất lớn hơn. Nếu người lái giảm tốc đột ngột, động năng của xe sẽ chuyển thành nhiệt năng trên các bố thắng và tản vào không khí, dẫn đến việc làm tiêu hao nhiên liệu.
Lời khuyên tốt nhất là bạn nên giữ đều tay ga, tránh tăng và giảm ga đột ngột để tránh tình trạng tiêu hao nhiên liệu không đáng có.
5. Xem việc thay nhớt như bảo dưỡng xe
Thực tế thay dầu, nhớt cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng động cơ. Tuy nhiên để động cơ được vận hành ổn định, an toàn hơn thì ta cần kiểm tra nhiều chi tiết máy móc khác có trên xe như áp suất lốp, dầu phanh, độ đàn hồi phanh,…
Ngoài ra, người dùng cũng nên thường xuyên kiểm tra và vệ sinh bugi, kim phun, lọc gió,… Bởi vì chúng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xe bị chết máy nếu không được vệ sinh hợp lí.
6. Chạy xe khi xăng đã về vạch E
Nếu kim xăng chỉ về mức E (Empty: Cạn xăng), bạn nên tiếp thêm nhiên liệu ngay khi có thể thay vì chạy thêm một quãng đường nữa.
Theo kỹ thuật viên của những hãng xe máy, thường xuyên vận hành xe khi bình xăng đã cạn có thể gây tác động xấu lên hiệu quả hoạt động của động cơ, khiến mặt trong bình xăng bị gỉ do tiếp xúc với không khí.
Những gỉ sét này khi lắng xuống sẽ khiến ống dẫn bị nghẽn, làm hỏng các chi tiết động cơ.
Ngoài ra, khi vận hành xe với tốc độ cao trong tình trạng xăng cạn kiệt có thể dễ dẫn đến tình trạng xe tắt máy đột ngột, rất dễ gây ra những tai nạn không đáng có.